Thôi đừng thử lòng nhau cả tội

Tôi coi trên internet một đoạn clip thí nghiệm về phản ứng của xã hội khi có người bị rơi ví. Thí nghiệm diễn ra tại Hội An và Đà Nẵng. Chiếc ví bị “đánh rơi” 40 lần và có 36 lần được người đi đường nhặt trả lại. Mới coi thì cũng vui vui vì thấy dân quê mình hiền và thật thà nhưng coi xong thì thấy… buồn vì thử lòng nhau chi vậy người ơi. 

Mấy hôm trước chúng tôi vào Hội An, ngồi ăn trong một quán bên sông, nhìn qua bên kia là cồn đất trồng bắp, buổi chiều Hội An không buồn buồn như sông nước miền Tây cũng chẳng rực rỡ như bờ sông Hàn. Buổi chiều ở Hội An mọi thứ cứ nhẹ nhẹ, nước chảy nhẹ nhẹ, gió lay nhẹ nhẹ, chiều xuống cũng nhẹ nhẹ.

Cô chủ quán cương quyết không cho chúng tôi gọi cá cu vì “cá ni em bỏ tủ lạnh ăn không ngon” mà giới thiệu cá bống, giá rẻ hơn nhiều. Tôi nghe nhiều người kể, đi chợ ở Hội An mà mua thịt là cô bán thịt hỏi mua thịt về làm chi, nếu mua cúng kiếng thì “qua hàng bên vì hôm ni thịt em không ngon, bán người ta cúng mang tội”. Nhiều chuyện kiểu như vậy về người Hội An, cách buôn bán Hội An mà nếu kể ra nhiều quá e là nhàm.

Có lần buổi trưa ngồi ăn cơm bên sông Hoài với nhà văn Nguyên Ngọc, người sinh ra và lớn lên ở Hội An, tôi hỏi ông: “Sao Hội An là nơi buôn bán từ rất sớm, giao thương làm ăn khắp nơi mà ở đây người ta vẫn buôn bán thiệt thà rứa bác hè?”. Ông già thủng thỉnh nói: “Tại cái kiểu buôn bán mà cậu thấy ồn ào ngoài xã hội kia nó không phải là văn hóa làm ăn, nó là chụp giựt. Mình vẫn thấy Hội An là điển hình của cái bây giờ chúng ta hay gọi là thế giới phẳng, và nó diễn ra từ rất sớm”.

Nhiều hồi, tôi nghĩ hay mình tìm cách về ở trong một cái nhà nhỏ đâu đó ngoại ô Hội An có hai hàng cau ta thật cao, thật thẳng.

Đà Nẵng bây giờ tuy không giống Đà Nẵng hồi tôi mới lớn lên nhưng nó lại có sự thu hút cách khác. Đà Nẵng hồi đó đường Bạch Đằng dọc sông Hàn còn nhỏ, bên lề đường còn đường ray tàu từ thời Pháp, dù lúc đó chẳng còn chuyến tàu nào chạy nữa. Tôi thích nhất là những kiosk sách bên bờ sông Hàn mà mỗi buổi trưa tôi hay đạp xe ra đứng đọc cọp mê mải hết cuốn này, đến cuốn khác, hết kiosk này đến kiosk khác. Họa hoằn lắm mới mua một cuốn. Những buổi trưa im mát ở đường Bạch Đằng với tiếng ve sầu rầu rĩ trên cây là hình ảnh Đà Nẵng của riêng tôi.

Đà Nẵng bây giờ khiến người yêu thích vì môi trường sống sạch sẽ, rộng rãi, trong lành. Nhưng Đà Nẵng ít việc làm cho người trẻ tuổi quá. Buổi sáng đến 10 giờ sáng người ta vẫn còn ngồi uống cafe lề đường. Con người xứ Quảng nổi tiếng không khoan nhượng với những điều sai trái trong xã hội, thích đi đầu trong những cuộc cách mạng, mà bây giờ nhiều bạn cùng trang lứa tôi ở Đà Nẵng ít thích nghĩ đến những điều đó.

Hai cái nơi này nó thân thuộc với tôi đến độ khi tôi thấy người ta đem cái ví tiền ra thử sự trung thực của người dân, tôi coi mà cứ phập phồng lo sẽ có nhiều người tham tiền lấy luôn cái ví. Thử nhau chi vậy, lòng tham thì ai cũng có. Mình mừng vì họ không bộc lộ lòng tham chứ mình còn tìm cách tạo điều kiện cho người ta phô bày lòng tham thì buồn nhau quá. Không nên.

Hồi trước tôi có một cô giúp việc trong nhà, tôi đi suốt ngày, cô ta ở nhà một mình. Đến khi cô nghỉ việc một thời gian tôi mới thấy mình mất khá nhiều đồ đạc. Lúc đầu tôi hơi buồn vì tôi đã nghĩ mình coi cô ta như người nhà, về sau tôi thấy mình đáng trách vì tạo cho người ta tham lam.

Có thử thì thử lòng tốt, lòng dũng cảm, hiệp nghĩa… chứ đi nhử lòng tham của người đời làm chi. May là dân que tôi đa số thiệt thà không tham của rơi chứ không thì chỉ khiến người ta thêm buồn.

4 bình luận về “Thôi đừng thử lòng nhau cả tội

  1. Reblogged this on bibirem and commented:
    Lúc trước đi học cấp 2 có thầy dạy toán luôn nói kiểu ni:
    “Mình xây cổng và xây hàng rào là để đề phòng người ngay chứ không phải đề phòng kẻ gian. Vì nếu mình ko làm như rứa có nghĩa là mình đang tạo cơ hội kiểu như mồi chài họ ăn trộm, mặc dù ko có lòng tham nhưng đi ngang thấy cái chi hay hay hợp ý mình cũng “tiện tay”. Còn cái đứa mà muốn ăn trộm rồi thì mình có cao cổng kín tường hắn cũng trèo vô ah”
    Nói chung cũng thích cái phép thử trong video ni nhưng lại hoàn toàn đồng ý với quan điểm bài viết này 😀

    Thích

  2. Hai đứa mình từng cảm mến nhau nhiều,
    Lại chịu đựng nỗi đau thực tuyệt vời nữa chứ.
    Chúng mình thường chơi trò “Ông Chồng, Bà Vợ”
    Nhưng chẳng bao giờ đánh chửi , dứt tóc nhau,

    Hai đứa mình thường đùa rỡn, thét gào
    Từng âu yếm và hôn nhau thân ái.
    Rồi cuối cùng vì thú vui thơ dại
    Hai đứa chơi trò đuổi bắt trồn tìm nhau,

    Ta trốn rất tài nơi đồng nội, rừng sâu
    Đến nỗi chẳng bao giờ tìm thấy nhau được nữa.

    (Thơ Heinrich Heine)

    Thích

Gửi phản hồi cho Song An Hủy trả lời